Quan hệ ngoại giao Cộng_hòa_Ả_Rập_Thống_nhất

Cộng hòa Ả Rập Thống nhất được xem là nguy cơ to lớn đối với Jordan. Syria được cho là nơi dung dưỡng những người Jordan đang bày mưu chống lại Vua Hussein. Trong khi đó, Ai Cập lại đang là một quốc gia thù địch với sự can dự của phương Tây vào khu vực. Cách mà Hussein dùng để đáp trả là đề xuất với Faisal II của Iraq cùng thành lập một liên minh Jordan-Iraq để làm đối trọng với Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Nội dung của thỏa thuận này là thành lập một bộ chỉ huy quân sự chung giữa hai nước, có ngân sách quân sự chung, trong đó 80% sẽ do Iraq đóng góp còn 20% là do Jordan đóng góp. Ngoài ra, quân lính hai quốc gia cũng sẽ được trao đổi.

Tại nước láng giềng Liban, Tổng thống Camille Chamoun - đối thủ của Nasser - tỏ ra lo lắng trước sự thành lập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Các phe phái ủng hộ Nasser tại Liban (chủ yếu gồm dân Hồi giáo và Druze) bắt đầu đụng độ với những tín đồ Công giáo Maronite nhìn chung ủng hộ Chamoun, gây ra cuộc nội chiến Liban lần thứ nhất vào tháng 5 năm 1958. Mặc dù Nasser không thèm muốn gì Liban khi xem đó là một trường hợp đặc biệt[13] nhưng ông cảm thấy cần phải hỗ trợ những người ủng hộ ông bằng cách cung cấp tiền, vũ khí hạng nhẹ và huấn luyện sĩ quan cho quân của Abdel Hamid Sarraj.[14] Ngày 14 tháng 7 năm 1958, các quan chức quân đội Iraq tiến hành đảo chính lật đổ vương triều Iraq mà mới vừa trước đó đã thành lập Liên bang Ả Rập với Jordan. Nasser tuyên bố công nhận chính phủ mới này, đồng thời phát biểu rằng "mọi cuộc tấn công nhằm vào Iraq cũng bị xem như hành động tấn công Cộng hòa Ả Rập Thống nhất". Ngay hôm sau, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Liban trong khi lực lượng đặc nhiệm Anh đổ bộ lên Jordan nhằm ngăn các quốc gia này rơi vào tay các lực lượng ủng hộ Nasser. Đối với Nasser, Cách mạng 14 tháng 7 đã mở đường tiến tới chủ nghĩa dân tộc Ả Rập.[15] Dẫu cho phần đông các thành viên trong Hội đồng Chỉ huy Cách mạng Iraq muốn sáp nhập Iraq với Cộng hòa Ả Rập Thống nhất nhưng tân Tổng thống Abdel Karim Qasim lại phản đối điều này. Tác giả Said K. Aburish cho rằng trong số các lý do của việc này, có nguyên nhân do Nasser đã từ chối hợp tác cũng như khuyến khích với lực lượng đảo chính một năm trước, vả lại Qasim xem Nasser là mối đe dọa cho quyền lực tuyệt đối của ông tại Iraq.[16]

Tháng 7 năm 1958, Chính phủ Hoa Kỳ thuyết phục Chamoun không ra tranh cử nhiệm kỳ hai, mở đường cho Fuad Chehab trở thành tổng thống mới của Liban. Khi Nasser và Chehab gặp nhau tại biên giới Liban-Syria, Nasser giải thích rằng ông không bao giờ muốn thống nhất với Liban, nhưng chỉ khi Liban không biến thành căn cứ chống Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Kết quả mà cuộc gặp này mang lại là sự chấm dứt cuộc khủng hoảng Liban, trong đó Nasser ngừng hỗ trợ những người ủng hộ ông và Hoa Kỳ đặt ra hạn chót cho việc rút quân khỏi khu vực.[17]

Ban đầu, Iraq chính là quốc gia dành nhiều ủng hộ nhất cho Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Nước này từng tìm cách gia nhập liên minh trong giai đoạn 1960-1961 và sau đó sẽ là tái thống nhất với liên minh sau năm 1963 với việc đề xuất tái thành lập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất gồm ba nước Ai Cập, Iraq và Syria. Một lá cờ mới cũng ra đời với ba ngôi sao tượng trưng cho ba nước hợp thành liên minh. Tuy nhiên, liên minh này đã không thành hình. Dù vậy, Iraq vẫn tiếp tục dùng lá cờ ba ngôi sao và về sau biến nó thành quốc kỳ của đất nước mình.